Thành phần
Mỗi gói bột pha hỗn dịch Lyfomin 400mg bao gồm các thành phần sau:
Fosfomycin (dưới dạng Fosfomycin calcium hydrat) hàm lượng 400mg
Tá dược vừa đủ 1 gói.
Cơ chế tác dụng của thuốc Lyfomin 400mg
Tác dụng của thuốc Lyfomin 400mg đều nhờ vào tác dụng của thành phần chính là Fosfomycin. Fosfomycin thuốc nhóm kháng sinh nào? Fosfomycin là một loại kháng sinh phổ rộng, nó có ngồn gốc từ acid phosphonic. Fosfomycin có tác dụng trong việc diệt khuẩn, cơ chế tác dụng của nó được chứng minh là do khả năng ức chế enzyme phosphoenolpyruvat tranferase (đây là enzyme tham gia vào xúc tác sự hình thành n-acetylmuramic). N-acetylmuramic là một chất cần thiết cho quá trình hình thành thành phần thiết yếu của màng tế bào vi khuẩn là peptidoglycan, điều này tạo lên tác dụng diệt khuẩn.
Fosfomycin có phổ tác dụng rộng, nó tác động lên cả các vi khuẩn gram âm và gram dương, đặc biệt là các vi khuẩn gây ra nhiễm trùng đường niệu như E.coli, Nesseria, Proteus, Klebsiella, Serratia, Enterococus…
Dược động học
Hấp thu: Fosfomycin kém hấp thu qua đường tiêu hoá với sinh khả dụng khoảng 30-40%. Sinh khả dụng của thuốc bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc đạt được sau khi uống khoảng 4 giờ.
Phân bố: Fosfomycin gắn kết với protein huyết tương chỉ khoảng 2,16%. Nó có thể phân bố vào dịch não tuy, dịch màng phổi, amidan, niêm mạc xoang, đởm, nước ối, sản dịch, thuỷ dịch, bạch huyết…
Chuyển hoá: Fosfomycin không trải qua quá trình chuyển hoá đồng thời không đi vào chu trình ruột gan.
Thải trừ: Fosfomycin được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (khoảng 85% trong 12 giờ), một phần nhỏ thuốc được thải trừ qua phân.
Công dụng – Chỉ định thuốc Lyfomin 400mg
Thuốc Lyfomin 400mg được chỉ định trong các trường hợp:
Viêm ruột nhiễm khuẩn, viêm xoang, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn sâu ở da.
Viêm bể thận, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới cấp chưa có biến chứng.
Dự phòng nhiễm khuẩn xảy ra khi tiến hành thủ thuật đường niệu.
Liều dùng – Cách sử dụng thuốc Lyfomin 400mg
Liều dùng
Trẻ em:
Một ngày uống từ 40 đến 120 mg trên mỗi kg thể trọng, chia thành từ 3 đến 4 lần. Dựa theo độ tuổi và triệu chứng lâm sàng để có liều dùng phù hợp.
Người lớn:
Mỗi lần uống từ 1 đến 3 gói, sau 8 giờ uống 1 lần.
Bệnh nhân suy thận:
Độ thanh thải creatinine 40 đến 60 ml/phút: mỗi lần uống cách nhau 12 giờ.
Độ thanh thải creatinine 30 đến 40 ml/phút: mỗi lần uống cách nhau 24 giờ.
Độ thanh thải creatinine từ 20 đến 30 ml/phút: mỗi lần uống cách nhau 36 giờ.
Độ thanh thải creatinine từ 10 đến 20 ml/phút: mỗi lần uống cách nhau 48 giờ.
Độ thanh thải creatinine từ 5 đến 10 ml/phút: mỗi lần uống cách nhau 75 giờ.
Cách dùng
Sử dụng thuốc Lyfomin 400mg bằng đường uống.
Hòa tan gói thuốc với nước để sử dụng.
Có thể uống thuốc Lyfomin 400mg trước hoặc sau bữa ăn.
Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Lyfomin 400mg cho các trường hợp sau:
Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinine dưới 10 ml/phút.
Người đang thẩm phân máu.
Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Tác dụng phụ
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Lyfomin 400mg:
Đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, cảm giác không ngon miệng.
Tăng LDH, ALT, AST ở gan.
Tăng creatinine, phù nề.
Ngứa, nổi mề đay, phát ban.
Giảm tiểu cầu, bạch cầu ưa eosin.
Chóng mặt, nhức đầu, ù tai.
Viêm miệng, viêm phổi.
Tim đập nhanh, sốt, cảm giác nóng bừng, kháng thuốc.
Khi có bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, bệnh nhân nên ngưng thuốc và thống báo cho bác sĩ để được hỗ trợ.